Hiện nay, việc kẹt xe tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang xảy ra rất nghiêm trọng. Ngoài các nguyên nhân khách quan như : mật độ xe quá đông, các “lô cốt” quá nhiều, do đào đường, ngập nước… còn có các nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông như: thiếu ý thức chấp hành các quy định giao thông như: chạy lấn tuyến, đi ngược chiều, chạy xe trên vỉa hè phần đường dành cho người đi bộ, vượt đèn đỏ….
Đa phần các lỗi vi phạm này là do con người cố ý mà ra, chính vì vậy việc xử phạt của cảnh sát giao thông thì chỉ là như “bắt cóc bỏ dĩa” mà thôi. Việc xử phạt vi phạm giao thông thì chỉ có người bị phạt và cảnh sát giao thông biết mà thôi (!?)
Thông thường sau khi bị phạt các lỗi trên, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản vi phạm và sẽ tạm giữ giấy tờ xe và bằng lái xe. Sau đó người vi phạm sẽ “âm thầm” đến kho bạc nhà nước để đóng tiền nộp phạt vi phạm mà không ai biết cả! Chính vì thế người vi phạm sẽ “không sợ bị mắc cỡ” vì sẽ không có ai biết mình đã cố tình vi phạm cả ( kể cả với đồng nghiệp trong cơ quan !)
Do đó để nâng cao ý thức người tham gia giao thông tuân thủ các quy định của luật giao thông. Tôi đề nghị khi lập biên bản phạt vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông sẽ đồng thời dán lên xe tại một một tem vi phạm vị trí càng dể nhìn càng tốt (VD: có thể là phía dưới kính chiếu hậu hoặc tại bửng trước, cốp xe, hoặc dè xe phía sau, bên dưới biển số xe! ).
Tem vi phạm có màu đặc trưng, VD: màu cam là lỗi vượt đèn đỏ, màu xanh lá cây là lỗi đi ngược chiều, màu vàng là chạy lấn tuyến, và in kèm dòng chữ ghi rõ đã lỗi vi phạm trên đó. “Tem phạt vượt đèn đỏ !”; ” tem phạt chạy lấn tuyến !”…
Ngoài ra trên tem phạt có mã vạch. Mục đích của mã vạch này là dùng để truy nhập hồ sơ lưu trữ giấy tờ xe tại cơ quan công an khi tạm giữ giấy tờ xe. Nếu chủ xe cố tình xé bỏ hay làm rách không nhận dạng được, thiết bị đọc mã sẽ không hiểu thì hồ sơ lưu sẽ tìm chậm hơn, như vậy cơ quan công an giao thông với lý do trên sẽ trả lại giấy tờ xe lại cho người vi phạm chậm hơn 1 tháng chẳng hạn vì phải truy lục bằng tay!
Như vậy dù bị dán tem phạt trên xe ( chắc là sẽ mắc cỡ xấu hổ lắm) nhưng trong thời gian bị tạm giữ giấy tờ xe chắc là cũng không ai dám xé bỏ cả! Ngược lại còn phải giữ gìn sợ bị xé rách !
Trong thời gian xe bị phạt và tạm giữ giấy tờ xe, sau khi đã đóng nộp phạt đầy đủ cho kho bạc, người vi phạm khi đến nhận lại giấy tờ xe hoặc bằng lái, thì yêu cầu trên xe vẫn phải còn nguyên tem vi phạm mà cảnh sát giao thông đã dán vào, nếu vì “mắc cỡ” mà người vi phạm tháo bỏ thì sẽ bị phạt thêm tiền.
Có như vậy mọi người sẽ “không dám” cố tình vi phạm luật giao thông nữa! Khi đến cơ quan làm việc mà trên xe có một “con tem phạt đỏ chói” của cảnh sát giao thông dán ngay phía trước với những lỗi ghi rõ ràng: “phạt vượt đèn đỏ”, “chạy lấn tuyến”, “chạy ngược chiều”… thì tôi dám chắc rằng chẳng ai dám còn lần sau vi phạm luật giao thông nữa!